Bạn có biết kể từ khi Việt Nam mở cửa và tăng cường hòa nhập vào nền kinh tế chung toàn cầu, rất nhiều thương hiệu Việt Nam đình đám do người Việt sáng lập đã bị rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại quốc? Xung quanh chúng ta, rất nhiều những nhãn hàng quen thuộc từ chăm sóc sức khỏe, cá nhân đến thực phẩm, đồ uống đã không còn là của người Việt nữa
Hãy cùng điểm qua 13 vụ mất thương hiệu đình đám nhất trong lịch sử của thị trường M&A Việt Nam nhé !
KEM ĐÁNH RĂNG P/S
Thương hiệu kem đánh răng P/S do công ty hóa phẩm P/S (thuộc Sở Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) phát triển từ năm 1975. Đây được xem là một thương hiệu lâu đời của Việt Nam. Trong một khoảng thời gian rất dài, không dưới 20 năm P/S đã dần dần xác lập được vị thế dẫn đầu về sản phẩm chăm sóc răng miệng của mình trên thị trường Việt Nam và gần như chiếm được lòng tin yêu của đông đảo người tiêu dùng Việt Nam. Chính vì vậy, với thế hệ người Việt Nam thời đó, P/S là một niềm tự hào vô cùng lớn của hàng tiêu dùng Việt, là một dấu ấn không thể nào phai mờ được.
Vào năm 1995, tập đoàn đa quốc gia Unilever đã đàm phán để được nhượng quyền sở hữu thương hiệu kem đánh răng P/S với mức giá nhượng quyền vô cùng hấp dẫn vào thời điểm đó là 5 triệu USD.
Có một điều đáng buồn là sau khi nhượng quyền đến nay, P/S dường như dần dần đánh mất vị thế của mình trên thị trường cả về chất lượng, giá cả cũng như mẫu mã. Cuối cùng từ thương vụ nhượng quyền, P/S đã chính thức bị thâu tóm và trở thành một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
BỘT GIẶT VISO
Viso là một nhãn hiệu bột giặt lâu đời và cũng là một trong những niềm tự hào của Việt Nam. Thuở mới khai sinh, Viso là tài sản của riêng ông Trương Văn Khôi, người được mệnh danh là “vua bột giặt Viso”.
Viso là một sản phẩm hướng tới người tiêu dùng ở phân khúc bình dân với mức giá cả phù hợp với túi tiền của đại đa số bộ phận công chúng. Chất lượng của Viso cũng là một trong những yếu tố được người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao. Viso luôn chiếm được thị phần đáng kể trong phân khúc bột giặt. Mặc dù được đánh giá khá cao cả về giá cả lẫn chất lượng, tuy nhiên, Viso không thể giữ được thương hiệu bột giặt thuần Việt.
Khi mới bước đầu đặt chân vào thị trường Việt Nam, Unilever cũng như rất nhiều tập đoàn đa quốc gia khác chọn hình thức liên doanh để từng bước tiếp cận thị trường. Unilever khi đó đã hợp tác với nhiều công ty bột giặt đang có thị phần lớn ở trong nước để thành lập liên doanh. Và các liên doanh như Lever-Viso, Lever-Haso lần lượt được ra đời. Không dừng lại ở đó, các tập đoàn đa quốc gia còn tìm đủ mọi cách để có thể biến những liên doanh như vậy thành công ty 100% có vốn nước ngoài. Và trường hợp của Lever-Viso cũng không là ngoại lệ. Từ một doanh nghiệp thuần Việt, Viso đã trở thành liên doanh và cuối cùng thương hiệu Viso đã hoàn toàn không còn là của người Việt nữa.
NƯỚC GIẢI KHÁT TRIBECO
Tribeco trước khi bị Uni-President Việt Nam – công ty con của Uni-President Đài Loan thâu tóm, đã có lịch sử tận 20 năm hoạt động và luôn được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao trong suốt 11 năm liên tục. Lên sàn vào cuối năm 2001 và chính thức liên doanh vào năm 2008, cuối cùng đã tuyên bố giải thể vào tháng 8/2012.
Vào năm 2001, Tribeco là doanh nghiệp thứ 9 lên sàn chứng khoán TP.HCM với mã cổ phiếu là TRI và liên tục nhiều năm liền được đánh giá cổ phiếu tốt, bởi có hoạt động kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt hơn, TP.HCM còn chọn 2 sản phẩm chính của công ty là sữa đậu nành và nước ngọt có ga làm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố. Về mặt thương hiệu, Tribeco đã tạo được hiệu ứng hình ảnh rất tốt khi tham gia tài trợ cho cuộc đua xe đạp Cúp truyền hình TP.HCM. Đây được xem là chương trình marketing được đánh giá rất cao vào thời điểm đó.
Tribeco chỉ yên lành cho đến ngày họ quyết định bắt tay với “đại gia lớn”. Năm 2005, công ty cổ phần bánh kẹo Kinh Đô lúc này đang là thương hiệu bánh kẹo mạnh của thị trường nội địa với tham vọng mở rộng thị trường sang nước giải khát đã chọn TRI để đầu tư. 35% số cổ phần của TRI đã được Kinh Đô mua lại và vị tổng giám đốc Kinh Đô lúc bấy giờ không giấu giếm tham vọng của mình khi cho biết “Việc thâu tóm Tribeco nằm trong định hướng của công ty”. Trong hai năm liên tục 2006 và 2007, sau khi có một cổ đông lớn là Kinh Đô, Tribeco tiếp tục cho xây 2 nhà máy lớn là Tribeco Bình Dương và Tribeco Miền Bắc (Hưng Yên) với tỷ lệ vốn góp là Tribeco 80% và Kinh Đô 20%. Đầu năm 2007, Tribeco lại bán thêm 15% cổ phần cho đối tác đến từ Đài Loan là Uni-President. Đây được xem là những quyết định đầu tư vô cùng vội vã và đánh giá sai nhu cầu của thị trường. Cũng chính việc thua lỗ triền miên, vào năm 2010, TRI đã bán hết toàn bộ cổ phần Tribeco Miền Bắc, cuối năm 2011 tiếp tục bán hết Tribeco Bình Dương. Chấm dứt hoàn toàn giấc mộng mở rộng sản xuất và thị phần ngắn ngủi.
Ngày 24/8/2012, Tribeco phải tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để xin ý kiến thông qua việc giải thể công ty. Cho tới đầu tháng 9, mọi hoạt động của Tribeco Sài Gòn chính thức do Tribeco Bình Dương hoàn toàn tiếp nhận. Như vậy, tập đoàn Đài Loan đã và đang kiểm soát toàn bộ thương hiệu nước giải khát đã từng thuần Việt.
THƯƠNG HIỆU BIA HUDA HUẾ
Được xem là thương vụ đình đám nhất trong việc thâu tóm thị trường bia của Việt chính có lẽ chính là việc “đổi quốc tịch” cho bia Huế. Công ty Bia Huế (Huda) được thành lập từ năm 1990 với tên gọi là nhà máy Bia Huế. Vào giữa những năm 90, các công ty bia địa phương đều rơi vào tình trạng khó khăn. Họ buộc phải tìm lối thoát cho mình bằng cách chuyển hướng sang tập trung sản xuất bia hơi, hoặc là sáp nhập vào các công ty bia lớn hơn, có tên tuổi để có thể gia công sản phẩm cho họ. Bia Huế luôn muốn khẳng định hình ảnh thương hiệu của mình nên đã cố gắng tìm cách đi khác. Tuy nhiên, cho tới năm 1994, Huda Huế đã hợp tác với tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch) dưới hình thức liên doanh, mỗi bên góp vốn 50%. Từ lúc đó trở đi, công ty TNHH bia Huế (Huda) chính thức ra đời. Nhanh chóng bia Huda trở thành thương hiệu lớn ở miền Trung và công ty bia Huế được đánh giá là 1 trong số 4 đại gia của làng bia Việt Nam (3 cái tên còn lại là Sabeco, Habeco và Bia Việt Nam). Sau gần 2 thập kỷ hoạt động dưới dạng liên doanh và liên kết, tới cuối năm 2011, Carlsberg đã lộ rõ ý đồ thâu tóm khi mua lại phần lớn vốn của đối tác Việt Nam là ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế để Huda Huế từ một đơn vị liên doanh trở thành một công ty 100% vốn nước ngoài.
PHỞ 24H
Dù chưa thực sự là một “ông lớn” trong giới kinh doanh nhưng việc thương hiệu Phở 24 bị Highlands Coffee, rồi sau đó là Jollibee (Philippines) thâu tóm là một trong những sự kiện nhận được sự quan tâm đông đảo từ dư luận. Trong giới đầu tư tài chính, những lời đồn đại cho biết, giá cho cuộc giao dịch nói trên là hơn 20 triệu USD và đây là một trong những bước trong lộ trình thâu tóm toàn bộ Highlands lẫn cả Phở 24 của Jollibee – một tập đoàn bán lẻ Philippines.
Phở 24 được xem là một thương hiệu rất nổi tiếng của Việt Nam trong thời kỳ đầu. Dù được xây dựng và phát triển mới từ năm 2003 nhưng Phở 24 đã nhanh chóng được biết một cách rộng rãi với chất lượng dịch vụ, sản phẩm tốt và có những bản sắc rất riêng biệt, không đụng hàng.
Trong khoảng thời gian hai ba năm gần đây, thương hiệu Phở 24 bắt đầu có dấu hiệu dịch vụ sa sút và chất lượng không còn được đảm bảo tốt đồng nhất trong hệ thống giống như trước đó. Sự đi xuống về hình ảnh của Phở 24 có thể cảm nhận được một cách rõ nét. Không còn nhiều người tiêu dùng nhắc tới thương hiệu này như là một sự lựa chọn hàng đầu như trước đây nữa.
Với một vị thế như vậy, quyết định bán lại là điều khá dễ hiểu và nếu giá thực sự như lời đồn là 20 triệu USD thì có thể nói là khá hậu hĩnh. Tuy nhiên, khi xét ở khía cạnh người đi mua, có lẽ họ cũng đã cân nhắc rất kỹ và dường như vụ thu mua Phở 24 thông qua Highlands Coffee của Jollibee là để khai thác thương hiệu này cho toàn bộ chuỗi bán lẻ trên toàn thế giới của tập đoàn này ở Philippines.
Việc đồn đoán Jollibee mới thực sự là người đi thâu tóm Phở 24 lan rộng sau khi Highlands Coffee bất ngờ mua 100% cổ phần của Phở 24, sau đó chính Highlands Coffee lại bán 50% của mình cho Jollibee. Trên thực tế, với việc nắm giữ quyền chi phối gián tiếp như vậy, việc Jollibee chính là ông chủ mới của thương hiệu Việt Phở 24 là vấn đề không còn gì nhiều để bàn cãi.
CHUỖI CAFE HIGHLANDS COFFEE
David Thái sinh năm 1972 tại Việt Nam, năm 1979 cả gia đình đã chuyển tới bang Seatle, Mỹ định cư. Lớn lên, David Thái học quản trị kinh doanh tại đại học danh tiếng Washington.
Năm 1996, David Thái về Việt Nam theo chương trình học bổng học tiếng Việt với vỏn vẹn gần 1.000 Đô la trong túi. “Tôi bắt đầu học văn học Việt, đọc truyện Kiều. Dù không hiểu hết ý nghĩa của nó nhưng tôi cảm nhận hạnh phúc và khổ đau, hiểu về văn hoá người Việt. Với suy nghĩ đơn thuần về Việt Nam chỉ là để tìm lại con người mình, nhưng tôi nhận ra mình cần phải sống, không chỉ với số tiền ít ỏi kia và rồi tôi may mắn có một công việc phiên dịch và chiếm được sự tin tưởng, cảm tình của một nhà đầu tư, ông ấy quyết định giúp tôi bắt đầu sự nghiệp”.
David mở quán cà phê mang tên Âu Lạc gần hồ Hoàn Kiếm. Cửa hàng nhanh chóng thành công nhưng rồi anh bị “hất cẳng”. Nhà đầu tư trước kia quyết định không tài trợ tiếp cho anh dù David thuyết phục anh sẽ làm lại từ đầu và làm rất tốt.
Với số tiền ít ỏi tiết kiệm được từ Âu Lạc, anh bắt đầu lại từ đầu với niềm tin rằng thị trường còn rất nhiều tiềm năng trong khi các công ty cà phê Việt chủ yếu chú ý tới xuất khẩu mà thiếu đầu tư vào thị trường trong nước. David cho rằng, với khoảng thời gian tuy không dài ở Việt Nam, anh đã gắn bó với con người và mảnh đất nơi đây, có lợi thế so với người nước ngoài khi làm kinh doanh tại đây vì anh đã có cái hiểu nhất định về văn hoá Việt.
Đó chính là lý do David quyết định làm lại từ đầu. Năm 1997, David bắt đầu tìm hiểu luật khuyến khích đầu tư nước ngoài. Tới 1998, anh là Việt kiều đầu tiên được cấp phép thành lập công ty tư nhân tại Hà Nội. Tới năm 2000, David là doanh nhân đầu tiên đăng ký thành lập công ty cổ phần.
Tập đoàn Việt Thái ngày nay được thành lập năm 2002. Ban đầu, chỉ có hai cửa hàng Highlands Coffe ở Hà Nội và Tp.HCM. Sau 7 năm, hiện nay số lượng cửa hàng Highland Coffee đã vượt quá con số 80 trên sáu tỉnh thành bao gồm Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu và Đồng Nai. Trong năm 2008, Tập đoàn Việt Thái có hơn 5 triệu lượt khách và phục vụ hơn 2 triệu bữa ăn, hơn 4 triệu cốc cà phê cho khách hàng.
Công ty Việt Thái Quốc tế của việt kiều David Thái từng gây xôn xao dư luận khi liên tiếp tiến hành những thương vụ M&A “khủng”. Đầu tiên là cú sốc mua đi, bán lại thương hiệu Phở 24.
Rất nhanh sau đó, Việt Thái Quốc tế (VTI) lại bán gần một nửa giá trị bản thân. Trong thương vụ này, người ta nhắc nhiều tới Highlands Coffee vì chuỗi cửa hàng cà phê này mang lại danh tiếng cho ông David Thái.
Jollibee, tập đoàn đến từ Philippines đã chi ra 25 triệu USD để mua lại 49% bộ phận kinh doanh Việt Nam và 60% bộ phận kinh doanh Hồng Kông của tập đoàn VTI do doanh nhân David Thái sở hữu.
Không chỉ có vậy, Jollibee đã đồng ý cho tập đoàn này vay thêm 35 triệu USD với lãi suất chỉ 5%. Khoản vay này sẽ được thanh toán trong năm 2016. Theo lời đại diện của Jollibee, khoản tiền này sẽ được VTI dùng để đầu tư cho tương lai.
Jollibee cho biết, bên cạnh việc tiếp tục phát triển chuỗi cà phê này tại Việt Nam, họ sẽ đưa sản phẩm của Highlands Coffee vào các hệ thống nhà hàng khác của Jollibee trên toàn châu Á. Đây sẽ là giá trị gia tăng đáng kể cho Jollibee, bởi vì hiện nay cà phê Việt Nam đã được cả thế giới công nhận đạt chất lượng hàng đầu.
Trong khi đó, Highlands Coffee dù không gặp khó khăn gì như nhiều công ty buộc phải bán cổ phần cho đối tác nhưng vẫn phải chia sẻ quyền lực cho Jollibee vì áp lực cạnh tranh với Starbucks.
Sau khi mua Highlands Coffee, Jollibee cũng đưa Highlands Coffee vào chuỗi nhà hàng của mình ngoài thị trường Việt Nam và ít nhiều gây được ấn tượng với thực khách. Nhưng Tập đoàn này không công bố nhiều kế hoạch đẩy mạnh phát triển Highlands Coffee.
Trước khi bán cổ phần cho Jollibee, Highlands Coffee đã từng nhượng quyền cho doanh nghiệp Philiphines. Đối tác của Highlands Coffee là Digital Paradise Inc và IP Ventures Inc. Digital Paradise Inc. và IP Ventures Inc. có mối quan hệ mật thiết với nhau.
IP Ventures là một công ty về công nghệ thông tin có chuỗi cửa hàng Internet Cafe được quản lý bởi Digital Paradise. Digital Paradise sở hữu chuỗi Netopia, cũng là Internet Café. Đặc biệt, IP Ventures có một công ty con chuyên về game là IP E-Game. IP E-Game nắm 75% cổ phần của Digital Paradise.
Cuối tháng 11/2011, IP Ventures Inc. đã ký kết nhượng quyền thương mại với Việt Thái quốc tế để đưa chuỗi cửa hàng Highlands Coffee sang Philippines. IP Ventures thông báo rằng thỏa thuận cho phép công ty sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu và tên thương mại của Highlands Coffee cho hoạt động cửa hàng cà phê ở Philippines.
Enrique Gonzalez, giám đốc điều hành IP Ventures cho biết: “Giữa hai công ty có sự phù hợp và sức mạnh tổng hợp mạnh mẽ. Sự hợp tác này sẽ tạo ra nhiều giá trị đích thực”.
Thỏa thuận này được ký kết trong diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Philippines diễn ra trong năm 2011, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nhiều quan chức cao cấp khác.
Michael Lacy, chủ tịch Digital Paradise Inc., nhà phân phối Highlands Coffee tại Philippines nhận xét: “Philippines là thị trường rất quan trọng ở châu Á. Tăng trưởng kinh tế Philippines có xu hướng thẳng tiến về phía trước và nhu cầu về loại hình sản phẩm này đang tăng”.
SABECO
Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, tên giao dịch Sabeco (Saigon Beer-Alcohol-Beverage Joint Stock Corporation), là một doanh nghiệp cổ phần tại Việt Nam. Mặc dù là công ty cổ phần nhưng Nhà nước vẫn nắm gần 90% vốn điều lệ doanh nghiệp này và Bộ Công Thương đóng vai trò là người đại diện phần vốn Nhà nước tại Sabeco (2016). Tổng Công ty là chủ sở hữu của thương hiệu bia Saigon và 333. Tháng 12 2017, công ty con của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi là Công ty TNHH Vietnam Beverage mua trọn 53,59% cổ phần nhà nước chào bán tại Sabeco với giá tiền là 4,8 tỷ USD.
Việc Vietnam Beverage mua thành công toàn bộ 53,59% cổ phần tại Sabeco do nhà nước Việt Nam bán ra (18/12/2017), đồng nghĩa là doanh nghiệp Thái Lan đã gián tiếp sở hữu và có quyền chi phối hoạt động của Sabeco và thâu tóm thành công một thương hiệu có mạng lưới phân phối và hoạt động hiệu quả nhất trong ngành bia rượu tại Việt Nam. Công ty TNHH Vietnam Beverage, công ty thành lập tháng 10/2017 tại Hà Nội với vốn điều lệ 681 tỉ đồng. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý (không bao gồm tư vấn pháp luật, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và chứng khoán), lập trình máy tính, tư vấn máy tính và quản trị hệ thống máy tính. Công ty này được Công ty CP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam sở hữu 100%. Công ty Beerco Limited lại sở hữu 49% F&B Alliance Việt Nam. Beerco Limited lại là công ty được sở hữu 100% bởi Thai Beverage – tập đoàn đồ uống Thái Lan thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi có trụ sở tại Hồng Kông – Trung Quốc
BÁNH KẸO KINH ĐÔ
Sau khi bán lại 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International với với giá khoảng 370 triệu USD, công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) đồng thời đổi tên thành công ty cổ phần tập đoàn KIDO (KIDO Corporation). Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 của CTCP Kinh Đô ngày 26/6 đã chính thức thông qua việc sửa đổi tên công ty thành công ty cổ phần tập đoàn KIDO (KIDO Corporation) với tên mã chứng khoán vẫn giữ nguyên là KDC như cũ.
Như vậy, thương hiệu Kinh Đô vô cùng quen thuộc sẽ không còn thuộc doanh nghiệp trong nước quản lý nữa và mảng bánh kẹo của thương hiệu này đã về tay “đại gia ngoại” là Mondelēz International. Phi vụ chuyển nhượng này nhanh chóng gây ra sự chấn động vì bánh kẹo Kinh Đô trong 21 năm qua luôn là một thương hiệu cực kỳ quen thuộc với người Việt.
DIANA
Tháng 8/2011, công ty cổ phần Diana đã hoàn tất việc bán lại 95% số cổ phần cho Unicharm của Nhật. Được biết, 128 triệu USD là mức giá được giới truyền thông trong nước truyền đi, nhưng con số thực sự được The Asset – tạp chí tài chính hãng nghiên cứu từ khóa đầu châu Á – nhắc đến khi trao giải thưởng cho các thương vụ tốt nhất châu Á năm 2011, trong đó có Diana của Việt Nam với mức giá khác là 184 triệu USD.
Tiền thân của Diana Việt Nam chính là công ty đầu tư và phát triển kỹ thuật Việt Ý, thành lập từ năm 1997, sau đó đổi tên thành công ty cổ phần Diana Việt Nam, đặt tại khu công nghiệp Vĩnh Tuy, Hà Nội. Các sản phẩm chính mà công ty chuyên sản xuất và phân phối gồm các mặt hàng từ giấy và bột giấy như băng vệ sinh, tã giấy trẻ em, khăn giấy ăn với các thương hiệu nổi tiếng Diana, Bobby, Caryn.
X-MEN
Năm 2003, sản phẩm dầu gội đầu X-Men xuất hiện cùng với chiến lược marketing rầm rộ cùng slogan “Đàn ông đích thực” và nhanh chóng trở thành nhãn hiệu dầu gội đầu số 1 dành riêng cho nam giới.
X-Men ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng với việc định hình khái niệm mới về mỹ phẩm thay vì “dùng ké” của nữ giới như thói quen trước đây. Với tên gọi khá tây, nhiều người nghĩ đây là sản phẩm do tập đoàn đa quốc gia nào đó sản xuất tuy nhiên sự thực là do công ty hàng gia dụng quốc tế (ICP) của người Việt.
ICP do ông Phan Quốc Công và một người bạn thành góp vốn chung thành lập năm 2001 sau 8 năm làm tích lũy. Ông Công vốn tốt nghiệp khoa điện, đại học bách khoa Tp.HCM nhưng lại bén duyên với con đường kinh doanh với vị trí nhân viên bán hàng của Electrolux, Nestlé.
Sau này ông học MBA rồi tiến sỹ quản trị kinh doanh của trường South California.
Sau một số sản phẩm đầu thất bại, ICP quyết định thử nghiệm sản phẩm dầu gội dành riêng cho nam giới- thị trường ngách mà các tập đoàn đa quốc gia như Unilever hay P&G vẫn còn bỏ ngỏ do người tiêu dùng chưa chú ý.
Xác định là người đi sau và đứng trên vai người khổng lồ, ICP tiếp cận các tập đoàn hóa chất lớn trong khu vực và thế giới để học hỏi công nghệ, cách thức sản xuất hóa mỹ phẩm thay vì nghiên cứu từ đầu.
Kèm theo tên gọi khác biệt với tư duy người Việt, ICP còn tập trung bài bản vào chiến lược sản xuất toàn diện từ sữa tắm, xà bông, sữa rửa mặt cho đến xây dựng hình ảnh thương hiệu theo hướng văn hóa hào hiệp gắn liền với slogan.
Theo số liệu của Nielsen, có thời điểm X-Men dẫn đầu ngành hàng dầu gội và sữa tắm với mức 40-50% thị phần, ngành hàng lăn khử mùi đứng sau Nivea với mức 23%.
Đến nay ICP trải qua quá trình phát triển 3 giai đoạn gồm:
– Từ 2001-2006, hoàn toàn là công ty tư nhân.
– Từ năm 2006-2010 trở thành công ty cổ phần với sự góp vốn của Mekong Capital, BankInvest.
– Từ năm 2011 các quỹ đầu tư thoái vốn, ICP cần tìm cho mình nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, cùng ngành nghề. Tháng 3/2011, tập đoàn mỹ phẩm Marico của Ấn Độ mua lại 85% cổ phần ICP từ quỹ ngoại và những nhà sáng lập nhưng vẫn giữ lại toàn bộ nhân sự điều hành. Đến năm 2014 Marico nắm giữ xấp xỉ 100% lợi ích và quyền biểu quyết tại ICP.
Quyết định rót vốn của Marico đem đến bước ngoặt lớn với ICP. Theo chia sẻ của ông Công, sau 3 năm bán cho Marico doanh thu của công ty này đạt hơn 1.000 tỉ đồng, gấp đôi so với trước khi bán.
Marico vốn là tập đoàn mỹ phẩm lớn nhất nhì Ấn Độ với việc hoạt động ban đầu là sản xuất sản phẩm từ dầu dừa thương hiệu Parachute. Sau đó Marico chuyển sang kinh doanh các sản phẩm chăm sóc cá nhân gồm: chăm sóc tóc cho nữa từ dầu dừa và làm đẹp cho nam giới.
Việt Nam là một phần trong chiến lược mở rộng sang thị trường châu Á và châu Phi của tập đoàn này. Trước ICP, Marico đặt chân vào thị trường Malaysia thông qua việc mua lại Code 10 từ liên doanh Colgate-Palmolive với giá xấp xỉ 44 triệu USD. Chỉ trong 5 năm từ 2007-2012, Marico thực hiện hơn 10 thương vụ thâu tóm kiểu này.
Năm 2014-2015 doanh thu của Marico đạt mức 940 triệu USD nhờ trăng trưởng doanh thu đến từ 25 quốc gia trong đó đặc biệt là các thị trường mới nổi châu Á và châu Phi. Theo thông tin công bố, tốc độ tăng trưởng kép của Marico trong 5 năm qua đạt 18% với doanh thu và 15% với lợi nhuận.
Nói về thương vụ bán ICP, quan điểm của ông Công là “nếu cứ giữ con bên mình hoài thì nó sẽ mãi là một đứa bé.”
“Từ một DN nhỏ, ICP trở thành thương hiệu được toàn quốc biết đến và đi tiếp một hành trình mới là cho quốc tế biết. Làm như vậy đứa con của mình sẽ đi xa hơn, mạnh hơn và đó là điều làm tôi cảm thấy mãn nguyện hơn là cứ giữ khư khư nó trong nhà, bắt nó thuộc về mình, không cho nó cơ hội phát triển”, cha đẻ X-Men nói.
BẢO HIỂM AAA
Bảo hiểm AAA chính thức trở thành một thành viên của tập đoàn IAG (Australia) sau khi tập đoàn này thâu tóm hơn 60% số cổ phần. IAG thâm nhập vào AAA từ tháng 6/2012 sau khi bắt đầu mua 30% cổ phần phát hành thêm của công ty với mức giá công bố vào thời điểm đó là 20 triệu USD. Lập tức, IAG đã cử 4 đại diện tham gia vào HĐQT của AAA. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên của AAA diễn ra vào ngày 26/7/2013, bà Đỗ Thị Kim Liên chính thức từ chức Chủ tịch HĐQT, qua đó mở đường cho ông Justin Paul Breheny (đại diện của tập đoàn IAG) làm Chủ tịch mới của công ty này. Trong cơ cấu lãnh đạo mới của AAA dĩ nhiên phần lớn đều là người nước ngoài. Trong cơ cấu cổ đông của bảo hiểm AAA hầu hết là các doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể, ngoài IAG chiếm phần lớn cổ phần còn có tập đoàn Bankinvest (Đan Mạch), tập đoàn Tái Bảo hiểm Aon Benfied, tập đoàn Assist- Card International (Thụy Sĩ), International Medical Group (IMG)…
Như vậy, sau hơn 9 năm thành lập, phần lớn công ty Bảo hiểm AAA đã rơi vào tay các “đại gia ngoại”.
KEM ĐÁNH RĂNG DẠ LAN
Dạ Lan là một trong 2 ông lớn đình đám của thị trường kem đánh răng Việt. Vào những năm 1993-1994, Dạ Lan đã từng chiếm đến gần 70% thị phần kem đánh răng trên cả nước. Riêng từ Đà Nẵng trở vào, thị phần của hãng chiếm đến 90%, góp phần đánh bật kem đánh răng của Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam.
Trước làn sóng mở cửa vào năm 1995, ông Trịnh Thành Nhơn, ông chủ của Dạ Lan đã ra quyết định liên doanh với công ty Colgate – Palmolive, khi ấy công ty được định giá là 3,2 triệu USD (chiếm 30% vốn), đây là một con số không hề nhỏ vào thời điểm đó. Tuy nhiên, công ty liên doanh Colgate – Sơn Hải này đã đưa nhãn hiệu Colgate vào thế chỗ của Dạ Lan khiến cho Dạ Lan gần như biến mất khỏi thị trường. Sau khi “thủ tiêu” được Dạ Lan, công ty liên doanh cũng nhanh chóng giải thể vài năm sau đó để trở thành công ty liên doanh Colgate – Palmolive Việt Nam còn ông Nhơn thì mang theo Dạ Lan rời khỏi liên doanh.
Từ 2009 ông Nhơn bắt đầu phục hồi lại nhãn hiệu kem đánh răng nổi tiếng một thời Dạ Lan sau nhiều năm vắng bóng tại thị trường Việt Nam thông qua công ty hóa mỹ phẩm quốc tế (ICC), nhưng mà giờ đây, thương hiệu này đã không thể quay về “ngôi vương” như thuở ban đầu được nữa.
THỰC PHẨM CẦU TRE
Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre tiền thân là Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, được xây dựng từ năm 1982 và hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến nguyên liệu thủy hải sản và nông sản. Sản phẩm của công ty đang được tiêu thụ trên toàn quốc thông qua các hệ thống siêu thị, đại lý phân phối và xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan,…
CJ Cheiljedang Corporation – tập đoàn từ Hàn Quốc đã nhận chuyển nhượng toàn bộ 47,33% cổ phần từ 3 cổ đông lớn của Cầu Tre. Doanh nghiệp này tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,6% vào cuối tháng 3 năm 2018, sau đó chi thêm 187 tỷ đồng mua cổ phần của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) để nắm giữ tỷ lệ 71,6% như hiện tại.
Đáng chú ý, sau khi bị mua lại, thương hiệu Cầu Tre đã bị đổi tên thành CJ Cầu Tre.